Diễn đàn hỏi đáp
Tạo bài viếtĐiểm danh các báo cáo thuế hàng tháng doanh nghiệp phải nộp
Có bao nhiêu loại báo cáo thuế hàng tháng doanh nghiệp phải nộp? Chi tiết các báo cáo thuế đó ra sao, cần phải làm gì, hạn nộp trong bao lâu,... Bài viết dưới đây sẽ giải đáp một cách chi tiết nhất tới bạn.
1. Báo cáo thuế giá trị gia tăng
Tờ khai thuế GTGT theo tháng là một trong những loại báo cáo thuế hàng tháng mà các doanh nghiệp đang hoạt động có mức doanh thu năm trước liền kề đạt trên 50 tỷ, thường hoạt động được khoảng 1 năm trở lên, sẽ phải nộp lên cơ qua thuế bằng cách gửi hồ sơ trực tiếp học nộp qua mạng, trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế.
Theo đó, các doanh nghiệp được sử dụng một trong hai phương pháp để khai thuế GTGT: phương pháp khai thuế GTGT trực tiếp; phương pháp khai thuế GTGT khấu trừ.
1.1. Hồ sơ báo cáo thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Theo đúng quy định hiện hành, khi tiến hành nộp báo cáo tờ khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, các tổ chức, doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau:
- Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT.
- Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra theo mẫu số 01-1/GTGT.
- Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu 01-2/GTGT.
Ngoài ra, tùy theo từng trường hợp khai thuế, đặc thù ngành nghề kinh doanh,... mà doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị thêm vào báo cáo khai thuế một số tờ khai sau (nếu cần):
- Bản giải trình khai thuế bổ sung điều chỉnh theo mẫu số 01/KHBS.
- Bảng kê hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế suất 0% theo mẫu số 01-3/GTGT.
- Bảng phân bổ thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ mua vào phân bổ được khấu trừ năm theo mẫu số 01-4B/GTGT.
- Bảng kê thuế GTGT đã nộp của doanh thu kinh doanh xây dựng, lắp đặt, bán hàng vãng lai hay chuyển nhượng bất động sản ngoại tỉnh theo mẫu số 01-5/GTGT.
1.2. Hồ sơ báo cáo thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
Với những doanh nghiệp chọn báo cáo thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì tùy vào từng trường hợp sẽ chuẩn bị hồ sơ khác nhau. Cụ thể:
- Trường hợp 1: các doanh nghiệp khai thuế GTGT trực tiếp trên GTGT thì chỉ cần chuẩn bị hồ sơ gồm “Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 01/GTGT” là đủ.
- Trường hợp 2: các doanh nghiệp khai thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu thì cần chuẩn bị hồ sơ gồm:
+ Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 04/GTGT.
+ Bảng kê hóa đơn hàng hóa, dịch vụ bán ra theo mẫu số 01-1/GTGT.
- Trường hợp 3: các doanh nghiệp khai thuế GTGT trực tiếp trên doanh thu nhưng theo từng lần phát sinh thì sẽ chuẩn bị “Tờ khai thuế GTGT theo mẫu số 04/GTGT”.
2. Báo cáo thuế thu nhập cá nhân
Báo cáo nộp thuế TNCN hiện được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Thông thường, tổ chức, doanh nghiệp làm báo cáo thuế GTGT theo tháng thì cũng sẽ làm báo cáo thuế TNCN theo tháng.
Căn cứ vào từng trường hợp, các doanh nghiệp sẽ chuẩn bị hồ sơ báo cáo cụ thể như sau:
- Trường hợp 1: các tổ chức, cá nhân phải trả thuế TNCN đối với tiền công, tiền lương thì sẽ chuẩn bị hồ sơ là “Tờ khai thuế TNCN khấu trừ theo mẫu số 01/KK0TNCN.
- Trường hợp 2: các tổ chức, cá nhân trả thuế TNCN đối với đầu tư vốn, chuyển nhượng chứng khoán, bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng của cá nhân cư trú hay không cư trú, kinh doanh của cá nhân cư trú thì sẽ chuẩn bị hồ sơ là “Tờ khai thuế TNCN theo mẫu số 03/KK-TNCN.
- Trường hợp 3: các doanh nghiệp bảo hiểm trả thu nhập khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập của đại lý bảo hiểm ký hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm, thu nhập từ tiền phí tích lũy bảo hiểm nhân thọ; công ty quản lý quỹ hưu trí tự nguyện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân đối với tiền tích lũy Quỹ hưu trí tự nguyện; doanh nghiệp bán hàng đa cấp khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập của cá nhân tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp thì sẽ chuẩn bị hồ sơ là “Tờ khai thuế TNCN theo mẫu số 01/KK-BHĐC”.
- Trường hợp 4: các công ty xổ số kiến thiết khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập của đại lý xổ số ký hợp đồng trực tiếp với Công ty xổ số khai thuế thì sẽ chuẩn bị hồ sơ là “Tờ khai thuế TNCN theo mẫu số 01/KK-XS”.
3. Báo cáo thuế tiêu thụ đặc biệt
Khai thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện khai theo tháng. Loại thuế này được áp dụng đối với các hàng hóa mua để xuất khẩu nhưng được bán trong nước thì khai theo lần phát sinh.
Hồ sơ báo cáo thuế tiêu thụ đặc biệt cần đáp ứng các yêu cầu sau:
-Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo mẫu số 01/TTĐB.
- Bảng kê hóa đơn bán hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo mẫu số 01-1/TTĐB.
- Bảng kê thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ (nếu có) theo mẫu số 01-2/TTĐB.
4. Báo cáo thuế tài nguyên hàng tháng
Khai thuế tài nguyên (trừ dầu thô) là loại báo cáo thuế hàng tháng các doanh nghiệp sẽ làm về phát sinh việc thực hiện chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể hay chấm dứt hoạt động.
Theo đó, hồ sơ với báo cáo tài nguyên hàng tháng doanh nghiệp cần phải đáp ứng như sau:
- Tờ khai quyết toán thuế tài nguyên theo mẫu số 02/TAIN.
- Các tài liệu liên quan đến việc miễn, giảm thuế tài nguyên kèm theo (nếu có).
Lưu ý rằng, việc khai thuế tài nguyên để xác định số thuế tài nguyên phải được nộp theo phương pháp khoán, tuân thủ đúng quy định tại Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC.
5. Báo cáo thuế bảo vệ môi trường
Theo quy định thì các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước (trừ than đá tiêu thụ nội địa của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và xăng dầu của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối) hoặc sản xuất bao bì đóng gói sản phẩm (nhưng người mua mua không sử dụng để đóng gói sản phẩm) thì phải khai và nộp thuế bảo vệ môi trường với cơ quan thuế.
Về hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sẽ phải tiến hành làm là tờ khai theo mẫu số 01/TBVMT, đồng thời nộp các tài liệu liên quan đến việc khai thuế, tính thuế có liên quan.
Lưu ý rằng, tất cả các loại báo cáo thuế theo tháng trên đều phải được nộp chậm nhất là vào ngày thứ 20 của tháng tiếp theo.
Mọi thắc mắc liên quan đến báo cáo thuế hàng tháng hay muốn được tư vấn thêm về phần mềm hóa đơn điện tử hoàn toàn miễn phí, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ ngay: