Diễn đàn hỏi đáp
Tạo bài viếtKhoản nợ cơ cấu lại có là tổn thất tín dụng theo IFRS 9?
Trong các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), chuẩn mực IFRS 9 được đánh giá sẽ có ảnh hưởng sâu rộng tới số liệu báo cáo tài chính, cũng như hoạt động của các ngân hàng tại Việt Nam. Các khoản nợ được cơ cấu lại tại ngân hàng tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua. Liệu việc cơ cấu các khoản cho vay do tác động của Covid-19 có phải là dấu hiệu của tổn thất tín dụng khi áp dụng IFRS 9?
IFRS 9 và khái niệm tổn thất tín dụng
IFRS 9 giới thiệu khái niệm dự phòng tổn thất dự kiến như một hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2009, khi mà phản ứng của các ngân hàng trong việc xác định và đo lường tổn thất đã bộc lộ rõ những hạn chế. Được sinh ra từ khủng khoảng, IFRS 9 có thể cho thấy các khía cạnh vượt trội trong việc phản chiếu chính xác hơn tình hình tài chính của các ngân hàng trong khủng hoảng Covid-19.
Chia sẻ về vấn đề này với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Hồng Dương - Phó Tổng Giám đốc dịch vụ Kiểm toán và đảm bảo (Deloitte Việt Nam) cho biết, việc triển khai IFRS 9 đã bắt đầu manh nha tại các ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt là các ngân hàng lớn trong vòng hai, ba năm trở lại đây. Mức độ hoàn thiện đối với mô hình ước tính tổn thất tín dụng dự kiến càng cao, càng đem lại cho các ngân hàng những đánh giá toàn diện và kịp thời hơn với các rủi ro tổn thất, từ đó, có những chiến lược phù hợp trong giai đoạn phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã và đang tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Theo đó, các khoản nợ được cơ cấu lại tăng lên nhanh chóng.
Thực tế này đặt ra cho các ngân hàng tại Việt Nam bài toán cần xem xét việc cơ cấu các khoản cho vay do tác động của Covid-19 có phải là dấu hiệu của tổn thất tín dụng khi áp dụng IFRS 9 không. Nói cách khác, việc cơ cấu các khoản cho vay này có dẫn tới sự gia tăng của các khoản tín dụng được phân loại vào nhóm xấu (giai đoạn 2 và giai đoạn 3), cũng như dự phòng tổn thất dự kiến phải trích.
Ông Dương cho biết, vào ngày 26/3/2020, Cơ quan Quản lý an toàn (Prudential Regulation Authority- PRA) – trực thuộc Ngân hàng Trung ương Anh đã ban hành hướng dẫn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xem xét các ảnh hưởng của Covid-19 trong việc ước tính tổn thất tín dụng dự kiến. Các ngân hàng có thể tham khảo hướng dẫn của PRA để xem xét tính chất của các khoản nợ được cơ cấu lại, đánh giá xem đó có là dấu hiệu của tổn thất tín dụng không.
Cẩn trọng xem xét tính chất khoản nợ được cơ cấu lại
Về việc xem xét tính chất khoản nợ được cơ cấu lại để xác định xem đó có là dấu hiệu của tổn thất tín dụng không, vị chuyên gia của Deloitte đã phân tích 3 câu hỏi đặt ra đối với khoản cho vay thuộc nhóm 1 được cơ cấu kéo dài kỳ hạn trả nợ thêm 12 tháng do tác động của Covid-19.
Một là việc giãn thời hạn trả nợ có dẫn tới việc khách hàng được phân loại vào nhóm “xấu” (giai đoạn 3) hay không? Ông Dương cho biết, nếu khoản cho vay đã quá hạn trên 90 ngày tại thời điểm cơ cấu, khoản vay sẽ được phân loại vào giai đoạn 3. Tuy nhiên, việc tính số ngày quá hạn sẽ không được tiếp tục trong thời gian giãn nợ nên việc khoản vay được cơ cấu sẽ không làm phát sinh ngày quá hạn mới trong thời gian cơ cấu.
Nếu ngân hàng vẫn tiếp tục tính lãi trên dư nợ trong suốt thời gian cơ cấu, việc giãn thời gian trả nợ gốc thường không làm phát sinh thay đổi đáng kể về giá trị trị hiện tại của khoản vay. Nếu ngân hàng đồng thời miễn giảm hoặc giãn lịch trả lãi, giá trị hiện tại của khoản vay sẽ thay đổi và có thể dẫn tới yêu cầu ngừng ghi nhận hoặc ghi nhận thu nhập/chi phí từ sửa đổi tài sản tài chính. Đồng thời, việc ngân hàng không thu hồi lại được dòng tiền của khoản vay theo dự kiến ban đầu có thể được coi là một dấu hiệu tổn thất.
Trường hợp khách hàng vay không có nguồn trả nợ nào khác ngoài việc phát mại tài sản đảm bảo (nếu có), khách hàng vay sẽ được phân loại vào nhóm “xấu”. Một số dấu hiệu nhận biết gồm khách hàng tiếp tục quá hạn sau cơ cấu, tình hình tài chính tiếp tục tiêu cực và không có hoặc ít có khả năng phục hồi.
Câu hỏi thứ hai là, liệu việc giãn thời hạn trả nợ có dẫn tới việc khách hàng được phân loại vào nhóm giai đoạn 2? Theo ông Dương, đối với các khách hàng chưa chuyển xấu theo các nhận định bên trên, ngân hàng cần tiếp tục xem xét việc phân loại các khoản tín dụng liên quan vào giai đoạn 2 hay giai đoạn 1. Trong phần lớn các trường hợp cơ cấu, việc tiếp tục phân loại khách hàng vào giai đoạn 1 chỉ được áp dụng nếu khách hàng được cơ cấu chưa có các dấu hiệu tiêu cực về tài chính hay khả năng trả nợ do tác động của Covid-19.
Ông Dương cho biết, trên thực tế, một số nước trên thế giới áp dụng chính sách cho phép cơ cấu đối với các khách hàng nằm trong các ngành nghề kinh tế chịu tác động trực tiếp từ đại dịch. Nói cách khác, việc ngân hàng cơ cấu đối với một nhóm khách hàng trong một lĩnh vực kinh tế không tự động phát sinh sự gia tăng đáng kể về rủi ro tín dụng.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các khoản vay chỉ được cơ cấu nếu đáp ứng điều kiện “khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid -19.” theo yêu cầu của Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14. Như vậy, ngân hàng cần thận trọng đánh giá khó khăn tài chính khách hàng vay gặp phải có phải do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hay không và khó khăn này chỉ trong ngắn hạn/mang tính tạm thời hay sẽ ảnh hưởng lâu dài tới khả năng trả nợ của khách hàng.
Câu hỏi thứ 3 được xem xét phân tích là khi nào một khoản nợ cơ cấu được phân loại lại vào giai đoạn 1 (nếu đã được phân loại vào giai đoạn 2 tại thời điểm cơ cấu)? Các hướng dẫn của PRA đưa ra một số điều kiện như ít nhất 1 năm từ thời điểm cơ cấu, không có nợ quá hạn sau cơ cấu, tất toán toàn bộ nợ cơ cấu và nợ quá hạn, không có nợ quá hạn nào khác. Vì vậy, theo ông Dương, khi áp dụng các hướng dẫn này tại Việt Nam, các ngân hàng cần tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia tín dụng để đưa ra các điều kiện hợp lý với thị trường và đặc trưng hoạt động của ngân hàng.
Ông Dương cho rằng, thử thách đặt ra là làm thế nào ngân hàng và kiểm toán có thể xác định các dấu hiệu nhằm phân biệt nợ cơ cấu “tốt” và nợ cơ cấu “xấu” và tránh phân loại quá mức các khoản cho vay được cơ cấu ở giai đoạn 1 sang giai đoạn 2. Đồng thời với việc gia tăng các khoản vay được phân vào giai đoạn 2 và 3 nhưng là kết quả của các sự kiện tín dụng đã xảy ra, tổng thể tác động về mặt tài chính của Covid – 19 phụ thuộc vào quan điểm của ngân hàng đối với các thông tin mang tính chất dự báo, hay các kịch bản kinh tế và tác động của các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. “Cùng với việc đánh giá lại các kịch bản, ngân hàng cần xem xét lại mô hình cho những thay đổi cần thiết”- ông Dương nhấn mạnh.
Trích nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn